Giới thiệu về Đại học Bách khoa Hà Nội

0
559
5/5 - (1 bình chọn)

Đề án tuyển sinh các năm – Đại học Bách khoa Hà Nội

Thông tin tuyển sinh các năm – Đại học Bách khoa Hà Nội

Điểm trúng tuyển các năm – Đại học Bách Khoa Hà Nội

TỔNG QUAN VỀ ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

Đại học Bách khoa Hà Nội (tên tiếng Anh Hanoi University of Science and Technology – viết tắt HUST) được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ ngày 6-3-1956 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký. Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài khoa học, công nghệ; định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các đại học có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Địa điểm trường và cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu

Sau hơn 2 tháng tìm kiếm, lựa chọn, Đông Dương học xá chính thức được chọn làm địa điểm xây dựng trường ĐHBK Hà Nội. Cơ sở này nguyên là ký túc xá của sinh viên 3 nước Đông Dương được xây dựng từ năm 1938, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đổi tên thành Việt Nam học xá. Khi tái chiếm Hà Nội, thực dân Pháp biến Việt Nam học xá thành trại lính, trại giam và gọi là “Bốt Đông Dương học xá”. Bốt này, sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô, bộ đội ta đã rà phá mìn, dỡ hết dây thép gai và bàn giao lại cho Bộ Giáo dục.

Quy mô mặt bằng khi đó cũng chỉ được xác định đại thể là lấy khu nội trú Đông Dương học xá làm trung tâm rồi phát triển mở rộng ra vùng đất trống trong khu vực bao quanh bởi 4 đường Bạch Mai (phía Đông), Đại Cồ Việt (phía Bắc), Nam Bộ cũ – tức Giải phóng ngày nay (phía Tây) và Đại La (phía Nam).

Đồng thời với việc gấp rút tập trung cải tạo, sửa sang và trang bị cho các nhà đã có để biến chúng thành hội trường, lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, Tổ công tác còn chỉ đạo xây dựng hội trường lớn hình con ốc có sức chứa 2000 người phục vụ các nghi lễ, hội họp, sinh hoạt chính trị, văn hoá của Trường. Tháng 8 năm 1956 Trường còn hoàn thành thêm một số dãy nhà cấp 4 tăng cường cho lớp học, phòng thí nghiệm, phòng làm việc. Ngoài ra, còn chuẩn bị chỗ ăn, ở cho gần 300 cán bộ công nhân viên và ký túc xá cho gần 800 sinh viên nội trú khoá 1.

Hình thành bộ máy quản lý hành chính và đội ngũ cán bộ giảng dạy, phục vụ giảng dạy

Cũng như các trường đại học mới thành lập, trường ĐHBK Hà Nội được Nhà nước ưu tiên bố trí những nhà trí thức có uy tín về lãnh đạo nhà trường. Giám đốc đầu tiên của trường ĐHBK Hà Nội là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, sau này trở thành giáo sư, viện sỹ. Cuối năm 1956, thầy Tạ Quang Bửu giữ trọng trách Giám đốc và lãnh đạo Nhà trường cho đến năm 1960.

Đội ngũ cán bộ quản lý được xây dựng gấp rút từ nhiều nguồn. Cán bộ phụ trách công tác tổ chức phần lớn là anh em bộ đội chuyển ngành. Khối hành chính quản trị được chọn lọc từ số cán bộ miền Nam tập kết. Ngoài ra, Trường còn được tăng cường thêm một số cán bộ công nhân viên từ các cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy được hình thành bởi những cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và những công nhân có tay nghề cao. Lực lượng này sau đó được bổ sung thêm những sinh viên tốt nghiệp, chủ yếu từ các trường trung cấp kỹ thuật. Nhà trường còn tự tổ chức đào tạo tại chỗ nhiều lớp công nhân Cơ khí, Điện, Vô tuyến điện, Hoá-Thực phẩm…

Mặc dù công tác chuẩn bị tiến hành trong thời gian gấp rút (chỉ 5 đến 6 tháng), nhưng đến ngày khai giảng, bộ máy quản lý, điều hành, giảng dạy, phục vụ giảng dạy đã được hình thành tương đối đồng bộ gồm gần 300 người.

Một sự kiện quan trọng, ngày 20 tháng 8 năm 1956 Đảng uỷ Giáo dục đã ra Quyết định số 967/ĐBGD thành lập Chi bộ lâm thời Đại học Bách khoa và chỉ định đồng chí Lê Cấp làm Bí thư.

Nhiệm vụ cơ bản của Chi bộ lâm thời là nhanh chóng tập hợp số đảng viên mới về trường, phát huy tác dụng tiền phong gương mẫu, làm nòng cốt trong việc phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ công tác, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị thành lập Trường, đồng thời chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức Đảng chính thức của Trường.

Các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cũng được nhanh chóng hình thành nhằm đẩy mạnh các sinh hoạt tập thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân viên.

Xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo

Dưới sự giúp đỡ chuyên gia Liên Xô Trifônốp (sau này là Tổng chuyên gia), từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1956 Tổ trưởng Hoàng Xuân Tuỳ được Chính phủ cử sang Liên Xô nghiên cứu, học tập kinh nghiệm đào tạo, tổ chức và quản lý, đồng thời đặt vấn đề nhờ Liên Xô giúp đỡ xây dựng khu trường mới ngày nay.

Trong thời gian công tác tại nước bạn, Tổ trưởng Hoàng Xuân Tuỳ đã đến thăm và làm việc tại một số trường đại học có bề dày truyền thống ở Matxcơva như đại học Năng lượng, đại học Hoá Menđêlêep, đại học Xây dựng và ở các thành phố khác như đại học Bách Khoa Lêningrat…

Trong khi đó, tại Trường, các cán bộ của chúng ta cùng chuyên gia Liên Xô, một mặt tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, mặt khác nghiên cứu cơ cấu ngành nghề đào tạo, các khoa, các bộ môn và chuẩn bị nội dung, chương trình đào tạo dựa trên các tài liệu nước ngoài chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc.

Với tinh thần làm việc tập thể, hăng say quên mình kết hợp với phương thức vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy còn non trẻ về nghiệp vụ, chuyên môn, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “khai sơn, phá thạch”, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học ở nước ta.

THÔNG ĐIỆP CỦA GIÁM ĐỐC ĐẠI HỌC

Cơ cấu tổ chức Đại học Bách khoa Hà Nội

MỘT SỐ MỐC THỜI GIAN

– Ngày 6/3/1956: Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 147/NĐ về việc thành lập trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa. Thiếu tướng, Giáo sư, Kỹ sư vũ khí Trần Đại Nghĩa được bổ nhiệm làm giám đốc.

– Ngày 15/10/1956: Khai giảng khóa 1 (K1) cho 850 sinh viên chính quy trong 14 ngành học thuộc 4 liên khoa: Cơ-Điện, Mỏ-Luyện kim, Xây dựng, Hóa-Thực phẩm.

3 lần đón Bác Hồ về thăm trường

– Ngày mùng 1, Tết Mậu Tuất 1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường lần đầu tiên.

– Ngày 17/6/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường lần thứ 2 cùng Đoàn đại biểu chính phủ Anbani.

– Ngày 11/3/1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường lần thứ 3 cùng đoàn đại biểu Lào do nhà Vua dẫn dầu.

Ngày 15/3/1960: Khởi công xây dựng trụ sở tại đường Đại Cồ Việt do Liên Xô tài trợ.

Tháng 10 năm 1961: Trường làm lễ phát bằng tốt nghiệp cho 633 kỹ sư khóa 1.

1963 Trường được Nhà nước phong tặng huân chương Lao động Hạng nhì.

1965 Trường ĐHBK Hà Nội gồm 7000 người cùng hàng trăm tấn thiết bị, đồ dùng học tập thực hiện cuộc hành quân lịch sử rời Hà Nội (khu A) sơ tán lên Lạng Sơn (khu C) lấy tên là Trường văn hóa Hà Huy Tập.

Những năm 1965 – 1975

– Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc và hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” gần 200 cán bộ và 2700 sinh viên lần lượt lên đường nhập ngũ.

– Trong Chiến tranh Việt Nam khoa Vô tuyến điện (tiền thân của khoa Điện tử – Viễn thông ngày nay) đã nghiên cứu và thực hiện thành công nhiều đề tài quan trọng phục vụ chiến đấu, điển hình là đề tài rà phá bom từ trường, đề tài phục hồi 4 hệ thống thông tin vi ba của đài phát thanh “Tiếng nói Việt Nam”…

1966 – 1967

Chính phủ quyết định tách 2 khoa Xây dựng và Mỏ-Địa chất tách thành trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Mỏ – Địa chất. Các bộ môn Dệt và Thực phẩm tách thành trường Đại học Công nghiệp nhẹ

Năm 1969-1970: Từ khu C Lạng Sơn trở về Trường

Năm 1972: Sơ tán lần 2 về Hưng Yên và Hà Bắc.

– Cuối năm 1972: Trường được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Sau 30/4/1975: Trường thực hiện nhiệm vụ cung cấp cán bộ khung cho Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Thủ Đức (tiền thân của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), Đại học Tây Nguyên và hiện nay là các trường Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội…

1976 Trường mở hệ đào tạo sau đại học.

1977 Trường Công nghiệp nhẹ sát nhập lại vào trường Đại học Bách khoa Hà nội.

1979 Bắt đầu đào tạo nghiên cứu sinh với 9 chuyên ngành.

1996 Trường được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất.

Tháng 8/2000:Trường vinh dự là đơn vị đầu tiên trong khối các trường đại học được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Năm 2001: Công đoàn trường được tặng Huân chương lao động Hạng Nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trường được tặng Huân chương độc lập Hạng Ba.

– 15/10/2001: Nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập, Trường vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

2006 Vinh dự được Đảng và Nhà Nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

– 01/02/2007 Bộ trưởng Bộ giao dục – Đào tạo phê duyệt đề án “Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển ĐHBK Hà Nội giai đoạn 2006 – 2030”.

– Năm 2007 Áp dụng đào tạo theo hình thức tin chỉ.

2009 Triển khai đề án “Đổi mới mô hình và chương trình đào tạo giai đoạn 2009 – 2015”.

2010 Thực hiện thí điểm Tự chủ đại học.

28/3/2011: Bộ trưởng Bộ giáo dục & Đào tạo ký quyết định giao cho trường thí điểm thực hiện một số nội dung tự chủ và tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2011 – 2015.

– 5/9/2011: Trường nhận chứng chỉ quản lý chất lượng ISO 9001 – 2008 của tổ chức BSI.

2012 – Thí điểm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung: Đào tạo, Tổ chức bộ máy, Biên chế, Tài chính.

– Vào bảng xếp hạng Scimago về hoạt động NCKH ở các trường/viện nghiên cứu.

– 20/11/2012: Đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm Trường.

2014 Đứng đầu Việt Nam về chỉ số đổi mới, sáng tạo trong bảng xếp hạng Scimago.

2015 Trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội AOTULE.

2016 – Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần 02.

– Thực hiện đề án thí điểm tự chủ đại học.

– Xếp hạng 1 Việt Nam và hạng 577 Thế giới trong bảng xếp hạng SCImago.

2017

– Chứng nhận kiểm định theo chuẩn châu Âu bởi tổ chức HCERES.

– Xếp hạng 1 Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics.

2018

– Khởi công Dự án SAHEP (2018-2022) 50 triệu USD.

– Chủ trì tổ chức Olympic Vật lý châu Á- APhO 2018.

2019

– 3 nhóm ngành trong Top 401 – 550 thế giới – QS WUR 2019.

– Top 301-400 thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và công nghệ – THE WUR 2020.

– Top 801-1000 thế giới các trường ĐH tốt nhất – THE WUR 2020.

2020

– 4 nhóm ngành trong Top 351 – 500 thế giới – QS WUR 2020.

– Top 300 thế giới các trường ĐH tốt nhất tại các nước có nền kinh tế mới nổi – THE Emerging Economies University Rankings 2020.

– Top 200 trường đại học trong “độ tuổi vàng” tốt nhất thế giới – THE Golden Age University Rankings 2020.

– Top 33 thế giới về lĩnh vực Năng lượng sạch và chi phí hợp lý THE Impact Rankings 2020.

THÔNG ĐIỆP CỦA GIÁM ĐỐC ĐẠI HỌC

Chào mừng các bạn đã đến với Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội), đại học kỹ thuật có truyền thống, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam.

Từ khi thành lập năm 1956, các thế hệ giảng viên và cán bộ ĐHBK Hà Nội luôn tận tụy làm việc, cống hiến để “phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội và đất nước”. Sự đóng góp lớn lao của Người Bách khoa – đội ngũ hàng trăm ngàn cựu sinh viên, những người đã và đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế – xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp và giáo dục đào tạo, đã làm nên danh tiếng ĐHBK Hà Nội ngày nay.

Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, trong những năm qua ĐHBK Hà Nội luôn kiên định giữ vững chất lượng, đồng thời tiến hành đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, mong đợi của xã hội và của Nhà nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế số và toàn cầu hóa.

Với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, tiềm lực và thành tích nghiên cứu của ĐHBK Hà Nội đã dần tiệm cận với chuẩn mực khu vực. Danh tiếng và vị thế của Nhà trường từng bước được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Kết quả tuyển sinh hằng năm cho thấy ĐHBK Hà Nội luôn là địa chỉ thu hút những học sinh ưu tú nhất của cả nước. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, người học để học tập, nghiên cứu, sáng tạo và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.

Với tầm nhìn trở thành một đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, Chiến lược phát triển 2017-2025 của ĐHBK Hà Nội đã được triển khai hiệu quả trong 5 năm vừa qua và được cụ thể hoá thành 10 nhiệm vụ cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đẩy mạnh quốc tế hóa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, phát triển ĐHBK Hà Nội theo mô hình “đại học số chia sẻ”, có môi trường xanh sạch đẹp, hiện đại và thân thiện, hội nhập quốc tế là những nhiệm vụ thách thức nhất.

Tháng 12 năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ, đánh dấu một mốc chuyển mình trong phát triển. Nhiều cơ hội to lớn sẽ được mở ra cùng với những thách thức cần vượt qua, nhưng sứ mạng cao cả của ĐHBK Hà Nội không thay đổi.

Với cam kết trách nhiệm xã hội cao nhất, ĐHBK Hà Nội kiên định con đường đổi mới để phát triển thành một đại học nghiên cứu hàng đầu Châu Á, hình mẫu thành công, phát triển bền vững của một đại học tự chủ toàn diện, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho vùng đồng bằng Sông Hồng, cho đất nước.

ĐHBK Hà Nội đã, đang và luôn là “ngôi nhà thân yêu” của mọi “Người Bách khoa”, đoàn kết, tận tâm, tận lực làm việc và sáng tạo để đổi mới, đột phá, tỏa sáng và thành công.