Nhiều đại học thay đổi phương án tuyển sinh

0
949
Rate this post

Ngày 23/4, nhiều trường đại học họp, quyết định thay đổi tỷ lệ xét tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, sau khi Thủ tướng chấp thuận thi tốt nghiệp THPT.

Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM tổ chức họp vào sáng 23/4. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, cho biết trường vẫn tuyển 3.500 chỉ tiêu cho 26 ngành ở bậc đại học, nhưng bổ sung phương thức xét tuyển và thay đổi cơ cấu chỉ tiêu.

Hồi tháng 1, trường dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức: xét kết quả thi THPT quốc gia với 80% tổng chỉ tiêu, xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn xét tuyển với 10% và xét điểm đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức chiếm 10%.

Nay trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh, trong đó việc xét điểm thi THPT quốc gia được thay bằng xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 40% chỉ tiêu; sử dụng điểm học bạ lớp 12 với 40%; xét điểm thi đánh giá năng lực vẫn giữ nguyên 10%. Ngoài ra, trường có phương thức tuyển sinh mới là tuyển thẳng học sinh giỏi từ kết quả học tập 5 học kỳ các năm lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12.

Tư vấn ngành nghề cho thí sinh dự thi đại học

Tương tự, Hội đồng tuyển sinh Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sáng nay họp và điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020. Phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia được thay bằng xét điểm thi tốt nghiệp THPT với 30% chỉ tiêu. Ngoài ra, trường giữ hai phương thức cũ là xét điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12) của từng môn trong tổ hợp xét tuyển (đạt từ 7 trở lên) và tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng. Năm nay trường có 6.000 chỉ tiêu ở 41 ngành với 3.300 chỉ tiêu đại trà, còn lại là hệ chất lượng cao.

Đại học Tôn Đức Thắng điều chỉnh phương án tuyển sinh năm nay với 4 phương thức: xét kết quả học tập bậc THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển thẳng và xét kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. So với phương án dự kiến trước đó, ngoài việc thay đổi xét điểm thi THPT quốc gia bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, trường có thêm phương thức đánh giá năng lực.

Năm nay, Đại học Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển 6.570 chỉ tiêu ở 40 ngành chương trình tiêu chuẩn, 17 ngành chương trình chất lượng cao, 12 ngành chương trình bằng tiếng Anh, 11 ngành chương trình học hai năm đầu tại cơ sở và 13 ngành chương trình đại học du học luân chuyển campus.

Tại Hà Nội, sáng 23/4 Học viện Tài chính công bố đề án tuyển sinh. Năm nay, trường xét tuyển 4.200 chỉ tiêu bằng 5 phương thức. Một là xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hai là xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT. Ba là căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bốn là kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT. Năm là dựa vào kết quả học tập THPT đối với thí sinh nước ngoài.

Trong đó, xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT và kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm ít nhất 50% chỉ tiêu, số còn lại xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, sau khi có hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Tài chính sẽ xem xét bổ sung và điều chỉnh phương thức thi riêng hay phối hợp tổ chức thi.

Đại học Kinh tế quốc dân cho biết dự kiến không tổ kỳ thi riêng mà giữ như những năm trước, sử dụng phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nhằm giữ ổn định, giúp thí sinh yên tâm học và thi. Tuy nhiên, hôm 14/4 trường đưa ra phương thức tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức thi THPT.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết tối nay trường sẽ livestream tư vấn tuyển sinh đại học chính quy để giải đáp thắc mắc của thí sinh. Sau khi có công văn hướng dẫn tuyển sinh năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường sẽ thông báo đề án tuyển sinh chi tiết.

Đại học Quốc gia Hà Nội từng thông báo chỉ tổ chức kỳ thi riêng trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức thi THPT quốc gia do ảnh hưởng của Covid-19. Khi Bộ đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT thay cho thi THPT quốc gia, trường quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh, bên cạnh việc tuyển thẳng và xét tuyển hồ sơ thí sinh.

Hình thức thi đánh giá năng lực đã được Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng năm 2015, 2016 sau đó quay về phương thức dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng khi kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức, các trường đại học top đầu cần có kỳ thi, bài thi riêng nhằm phân loại và chọn ra thí sinh đủ năng lực. Nếu tuyển sinh quá dễ, chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng, sinh viên đỗ được vào trường nhưng không theo học được. “Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đầu vào là yếu tố quan trọng đầu tiên”, ông Đức nói.

Đại học Điện lực lùi thời gian công bố phương án tuyển sinh từ tuần này sang tuần sau để họp Hội đồng tuyển sinh, điều chỉnh cho phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo, cho rằng việc đổi từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT không ảnh hưởng nhiều do trường đã lên một số phương thức tuyển sinh nhưng phần nào vẫn khiến trường bị động, gặp khó khăn. Hội đồng tuyển sinh sẽ phải họp để đưa ra phương án cuối cùng.

Theo ông Toàn, năm ngoái Đại học Điện lực đã dành một phần chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT nên năm nay sẽ tiếp tục sử dụng phương thức này. Với kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường có thể vẫn dùng cộng với điều kiện, tiêu chí phù hợp với ngành tuyển sinh.

“Tùy theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường hợp yêu cầu các trường buộc phải tự chủ bằng kỳ thi riêng, Đại học Điện lực có thể cùng một số trường khác tập hợp, tổ chức chung để tuyển sinh”, ông Toàn nói.

Mỗi năm có khoảng 900.000 học sinh thi THPT quốc gia. Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 (trong 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh đến trường trước 15/6, kỳ thi vẫn được tổ chức nhưng giảm nội dung, môn thi. Trường hợp bất khả kháng, kỳ thi có thể không được tổ chức, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ giao về cho địa phương.

Ngày 22/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và được chấp thuận. Thí sinh sẽ thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Thời gian thi là 1,5 ngày, dự kiến trong tháng 8.