Vấn nạn giáo viên bị quấy rối, bạo hành tại Hàn Quốc

0
113
Rate this post

Vấn nạn giáo viên bị quấy rối, bạo hành tại Hàn Quốc

 Đoạn video ghi lại cảnh một học sinh lớp 3 giơ tay tát thầy hiệu phó nhiều lần gây xôn xao dư luận Hàn Quốc. Đằng sau đó là một câu chuyện buồn của ngành giáo dục xứ kim chi.

Vấn nạn giáo viên bị quấy rối, bạo hành tại Hàn Quốc

hình ảnh cắt từ video cho thấy học sinh lớp 3 liên tục tát thầy hiệu phó

Đoạn video chấn động Hàn Quốc

Đoạn video cho thấy học sinh lớp 3 liên tục tát thầy hiệu phó, ném cặp sách vào thầy và nói nhiều lời vô lễ. Nguyên nhân do thầy hiệu phó xuống lớp để ngăn nam sinh này tự ý rời khỏi trường học khi chưa được thầy cô đồng ý. Sự việc xảy ra tại một trường tiểu học ở thành phố Jeonju, tỉnh Jeonbuk.

Đoạn video được Hiệp hội Giáo viên tỉnh Jeonbuk chia sẻ. Trong video, thầy hiệu phó luôn chắp hai tay sau lưng và không có hành động tự bảo vệ bản thân. Các nhà giáo dục tại Hàn Quốc hiểu được tại sao thầy giáo có cách phản ứng “thụ động” như vậy.

Cụ thể, giáo viên tại Hàn Quốc hiện nay không dám tự bảo vệ bản thân trước hành động quá khích của học sinh, bởi họ sợ bị phụ huynh cáo buộc bạo hành học sinh và kiện ra tòa.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết sau sự việc, mẹ của nam sinh lớp 3 đã tới trường học của con và tiếp tục có những phản ứng giận dữ với giáo viên của trường.

Ông Kim Dong-seok, chuyên gia nghiên cứu quyền của giáo viên tại Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, cho hay, nhiều giáo viên Hàn Quốc bị học sinh và phụ huynh bạo hành tâm lý, thậm chí là bạo hành thể chất, nhưng họ chỉ im lặng chịu đựng, chịu đựng, giả vờ như không thấy hành vi xấu của học sinh.

Giáo viên làm vậy bởi không muốn sự việc rắc rối kéo dài, gây ảnh hưởng tới tâm lý giảng dạy. Ngoài ra, không ít giáo viên sợ bị gia đình học sinh trả thù

Việc công khai sự việc để xử lý tới cùng cũng khiến nhiều giáo viên cảm thấy ngần ngại, bởi họ có những mặc cảm tâm lý, chẳng hạn như “là thầy, nhưng không thể dạy được trò”.

Sự việc giáo viên tự sát là hồi chuông cảnh tỉnh

Vấn đề bảo vệ giáo viên đang trở thành đề tài “nóng” trong ngành giáo dục tại Hàn Quốc những năm trở lại đây.

Tháng 7/2023, nữ giáo viên giảng dạy khối lớp 1 tại một trường tiểu học nằm ở Gangnam – khu “nhà giàu” tại thành phố Seoul – đã tự sát ngay tại trường học. Cuốn nhật ký và các tin nhắn lưu trong điện thoại của cô giáo 26 tuổi cho thấy cô đã bị nhiều phụ huynh bạo hành tâm lý trong suốt nhiều tháng. Cô giáo mới tham gia giảng dạy tại trường được một năm trước khi qua đời.

Hoạt động tưởng niệm giáo viên ra đi vì tự sát tại một số trường học ở Hàn Quốc

Theo thông tin do nhà chức trách Hàn Quốc đưa ra, khoảng 100 giáo viên giảng dạy tại các trường công lập ở nước này đã tự sát trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 tới tháng 6/2023.

Sự ra đi của cô giáo 26 tuổi trong năm 2023 đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với ngành giáo dục Hàn Quốc. Hàng chục ngàn giáo viên nước này đã lên tiếng kêu gọi nhà chức trách có giải pháp để bảo vệ các thầy cô.

Tháng 9/2023, nhà chức trách Hàn Quốc đã có một số thay đổi quan trọng để bảo vệ giáo viên. Theo đó, giáo viên sẽ không bị dừng hoạt động giảng dạy ngay sau khi bị cáo buộc bạo hành học sinh. Chỉ khi có kết quả điều tra và bằng chứng rõ ràng, nhà trường mới đưa ra quyết định giáo viên có bị dừng hoạt động giảng dạy hay không.

Ngoài ra, giáo viên có quyền yêu cầu học sinh vô kỷ luật rời khỏi lớp học. Các trường tiểu học có quyền ghi lại các cuộc đối thoại với phụ huynh, bao gồm cả cuộc gọi điện thoại và những cuộc gặp trực tiếp. Những phản ánh và đơn kiện của phụ huynh sẽ do hiệu trưởng nhà trường đứng ra xử lý, thay vì để giáo viên là người trực tiếp đứng ra đương đầu như trước đây.

Những giáo viên bị phụ huynh kiện có thể yêu cầu nhà trường hỗ trợ tài chính. Giáo viên không có trách nhiệm phải cung cấp thông tin cá nhân cho phụ huynh. Cụ thể, họ không phải đưa số điện thoại cá nhân cho phụ huynh.

Ngay sau khi những thay đổi này được nhà chức trách áp dụng, số lượt phản ánh của phụ huynh về giáo viên đã giảm xuống rõ rệt.

Từ tháng 9/2023 tới tháng 4/2024, số vụ phụ huynh cáo buộc giáo viên bạo hành học sinh tại Hàn Quốc giảm xuống còn 385 vụ. Trước đó, năm 2022, Hàn Quốc ghi nhận 1.702 lượt phản ánh từ phía phụ huynh; năm 2021 từng ghi nhận 1.229 lượt phản ánh.

Nghề giáo viên đang trở thành nghề đầy thách thức

Một khảo sát được nhà chức trách Hàn Quốc thực hiện mới đây cho thấy trong số 11.359 giáo viên tham gia khảo sát, có tới 78% cho rằng điều kiện làm việc của họ chưa được cải thiện một cách hiệu quả.

Quy trình nhà trường xử lý những lời phản ánh của phụ huynh thường diễn ra chậm do thiếu nhân sự chuyên trách. Điều này khiến nhiều giáo viên phải chịu đựng gánh nặng tâm lý kéo dài mỗi khi bị phụ huynh phản ánh. Thực tế, ngay cả khi sự việc đã được xử lý xong xuôi, giáo viên vẫn phải chịu những hệ lụy tâm lý kéo dài.

Một giáo viên từng bị phụ huynh kiện ra tòa với cáo buộc bạo hành tâm lý học sinh cho hay: “Dù thắng kiện, tôi vẫn bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn và phải điều trị tâm lý. Trong quá trình hợp tác phục vụ điều tra, tôi thấy buồn bã, suy sụp, như thể mọi nỗ lực trong nghề của tôi đều bị phủ nhận. Sau đó, tôi cảm thấy sợ đối diện với học sinh và phụ huynh”.

Nghề giáo viên trở thành nghề đầy thách thức trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện nay

Giáo viên này cho biết, anh chỉ cân bằng trở lại trong công việc sau khi chia sẻ câu chuyện với đồng nghiệp và nhận được sự cổ vũ, động viên từ họ.

Khảo sát của Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc trong tháng 4 năm nay cho thấy 26,5% giáo viên nước này đang phải điều trị tâm lý vì những vấn đề liên quan tới công việc. Ngoài ra, 87% giáo viên từng có lúc nghĩ tới quyết định nghỉ việc.

Giáo sư Jung Jae-hoon đến từ Đại học Nữ sinh Seoul, chuyên gia nghiên cứu vấn đề phúc lợi xã hội, nhận định: “Phụ huynh tại Hàn Quốc hiện đầu tư nhiều cho con cái, họ không chấp nhận rằng con mình có thể có thái độ và hành vi xấu ở trường học.

Phụ huynh thậm chí có những suy nghĩ sai lệch về quyền của phụ huynh. Vì họ chi nhiều tiền cho con cái, đặc biệt là cho việc học của con, nên không ít người tự cho rằng mình có những đặc quyền đối với giáo viên”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng những vấn đề mà giáo viên tại Hàn Quốc đang phải đương đầu sẽ khó có thể giải quyết sớm một cách triệt để, bởi tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm. Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Điều này khiến các bậc phụ huynh càng có xu hướng bảo vệ con cái thái quá.

Bà Song Ji-ae, một người mẹ có 2 con, chia sẻ: “Hiện tại, các gia đình đều có ít con nên cha mẹ càng bao bọc con cái nhiều hơn, thậm chí có những phụ huynh trở nên cực đoan. Họ không ngừng liên hệ với trường học và giáo viên vì những vấn đề rất nhỏ”.

Theo: Channel News Asia