Thủ khoa ‘học được, chơi được’ của Đại học Bách khoa Hà Nội

0
542
Rate this post

Thủ khoa ‘học được, chơi được’ của Đại học Bách khoa Hà Nội

Ngoài điểm học tập 3,89/4, Minh Tú, thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội là bí thư Đoàn năng nổ, khởi xướng nhiều hoạt động của lớp.

Lê Minh Tú, 22 tuổi, quê Thanh Hóa, là sinh viên chương trình tài năng ngành Công nghệ thông tin, trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Hôm 23/10, phát biểu trong lễ tốt nghiệp, Tú nói đây là cột mốc mới với bản thân và bạn bè khi trở thành những tân cử nhân, kỹ sư. Dấu mốc này càng thêm ý nghĩa khi cậu trở thành thủ khoa đầu ra với điểm học tập 3,89/4, điểm rèn luyện 96/100.

Minh Tú đại diện sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp ngày 23.10 của Đại học Bách khoa Hà Nội

Bốn năm trước, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018, nam sinh trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) đạt 27,5 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và trở thành á khoa tỉnh Thanh Hóa. Dù vậy, Tú áp lực khi nhận thấy quá nửa lớp là thủ khoa, á khoa của các tỉnh, thành hay đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế.

Nam sinh chỉ thực sự giải tỏa được khi nghe lời khuyên từ giảng viên Nhập môn Công nghệ thông tin. “Thầy dặn vào năm nhất đại học, đừng kỳ vọng quá nhiều về bản thân. Khó khăn nhất là vượt qua chính mình”, Tú nhớ lại.

Chàng trai quê Thanh Hóa sau đó đặt mục tiêu giành tấm bằng xuất sắc Bách khoa, thành tích được nhiều sinh viên ví von “giỏi như quái vật”. Tú cho biết không có bí quyết hay phương pháp học nào đặc biệt. Ngoài việc đi học đầy đủ và chú ý ghi chép bài, cậu sẽ hỏi giảng viên hoặc bạn bè nếu gặp phần kiến thức chưa hiểu. Tú đánh giá việc học hỏi từ bạn bè rất hữu ích, bởi các bạn có góc nhìn và cách diễn đạt sinh động để giải thích cho mình.

Dù vậy, cách học này của Tú khó áp dụng khi phải học trực tuyến trong dịch Covid-19 hồi năm 2021. Tuy đã tận dụng các công cụ trực tuyến để trao đổi bài với thầy cô và bạn bè, nhưng theo Tú “chỉ bù đắp được phần nào so với trên lớp”. Kết thúc học kỳ học trực tuyến của năm thứ ba, Tú đạt 3,72 điểm trung bình học tập. Đây cũng là kết quả thấp nhất của Tú trong bốn năm đại học.

Bạn cùng lớp đánh giá Tú có sự bền bỉ, phong độ ổn định. Lớp tài năng ngành Công nghệ thông tin tuyển chọn gắt gao đầu vào, nhưng theo các sinh viên, để theo được chương trình lại là một chuyện khác, bởi độ khó và cường độ học cao. “Trong khi các bạn có kỳ đạt điểm cao, kỳ thấp, Tú giữ được nhịp độ học ổn định, luôn đứng top đầu”, Đào Minh Dũng, bạn cùng lớp của Tú, nhận xét.

Cũng như nhiều sinh viên Bách khoa, ngoài các môn đại cương, Tú “hãi” nhất môn Giải tích. Để vượt qua môn học có đề cương dày như quyển từ điển, Tú phải ôn ngày đêm, học nhóm, luyện đề.

“Ôn Giải tích là học cả ngày luôn”, Tú nói về khoảng thời gian hai tuần trước ngày thi.

Minh Tú nhận giấy khen Sinh viên xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 23.10

Tự đánh giá về bản thân, Tú cho rằng mình không phải tuýp mọt sách, chỉ biết học. Trái lại, Tú tham gia khá nhiều hoạt động, là bí thư lớp và ủy viên chi bộ. Tú còn là thành viên câu lạc bộ guitar, giành giải nhì và khuyến khích trong cuộc thi viết “Màu cờ dưới ánh bình minh” do Đoàn thanh niên Đại học Bách khoa tổ chức.

Điểm rèn luyện của Tú đạt 96/100, cao nhất trong các thủ khoa. Minh Dũng cho biết Tú chưa từng vắng mặt trong các hoạt động của lớp, thậm chí nhiều lần đóng vai trò khởi xướng hoặc là thành viên chủ chốt. “Học quan trọng, nhưng hoạt động ngoại khóa cũng vậy. Việc giao lưu giúp mình xả stress, quen thêm nhiều anh chị, bạn bè và học hỏi rất nhiều từ họ. Quan trọng là sắp xếp thời gian hợp lý”, Tú nói.

Để cân đối thời gian học và chơi, Tú thường tích cực tham gia hoạt động vào đầu mỗi kỳ vì “còn rảnh”. Sau khi tan học, cậu sẽ làm bài tập về nhà ngay để tiết kiệm thời gian và còn có…sức chơi. Đến lúc cần tập trung ôn thi, Tú sẵn sàng gác lại để dành cả ngày học trên thư viện.

PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) là giáo viên chủ nhiệm của Minh Tú. Hướng dẫn nghiên cứu cho Tú từ khi cậu học năm hai, cô Bình ấn tượng với sự nghiêm túc, chăm chỉ và chỉn chu của học trò. Tú luôn cố gắng, cầu thị và không ngại thử thách bản thân trước những nhiệm vụ mới.

PGS Bình đánh giá Tú đã có sự trưởng thành cả về phương pháp, năng lực và chuyên môn nghiên cứu. Nam sinh sẽ học cao học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Khoa học dữ liệu để tiếp tục đào sâu hướng nghiên cứu của mình.

Theo Tú, bảng điểm đẹp không phải là tất cả, nhưng cũng mang lại lợi thế cho sinh viên. Vào năm thứ ba, Tú đăng ký chương trình Sinh viên tài năng của Viettel rồi được đào tạo làm dự án, sau đó thử việc ở mảng Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.

“Bài kiểm tra của mình tại công ty không quá xuất sắc, kinh nghiệm làm việc cũng chưa dày dặn, nhưng mình vẫn được trao cơ hội, có thể một phần cũng do thành tích học tại trường”, Tú nói.

Nhiều người nói đại học không phải con đường duy nhất để thành công, Tú cho rằng quan điểm này không sai nhưng chưa đủ, vì đại học là “con đường ngắn nhất”. Theo nam sinh, kiến thức trong trường có vẻ không áp dụng được nhiều vào thực tế, nhưng những gì được học sẽ là nền tảng để tiếp cận kiến thức mới. “Trường đại học không cung cấp những thứ dạng mỳ ăn liền. Mình thấy sinh viên cần vận dụng tư duy, áp dụng linh hoạt những gì được dạy vào công việc và cuộc sống. Khi đó, bạn sẽ thấy trường đại học cho bạn nhiều hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ”, Tú nói.

Nguồn: vnexpress.net