Thành phố Hồ Chí Minh chốt phương án thi tuyển 3 môn vào lớp 10 năm 2023

0
299
Rate this post

Lịch thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 TP HCM

Lịch thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023-2024 Tp HCM cũng như các môn thi vào lớp 10 năm 2023-2024 của Tp HCM đang là câu hỏi được các thí sinh và phụ huynh quan tâm khi mà các em học sinh lớp 9 đã bước sang kì 2 của năm học 2023. Sau đây là một số thông tin đáng chú ý về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Tp HCM, mời các bạn cùng theo dõi.

Một trong những điểm mới đáng chú ý về kì thi vào lớp 10 năm 2023-2024 Tp HCM là tất cả thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập tại Tp HCM năm 2023 phải đăng ký nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.

Năm 2023, Sở GD&ĐT TPHCM đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Do vậy, tất cả các nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bao gồm 3 nguyện vọng thường, nguyện vọng chuyên và nguyện vọng tích hợp sẽ được triển khai đăng ký theo hình thức trực tuyến.

  1. Lịch thi vào lớp 10 2023-2024 Tp HCM

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP.HCM diễn ra vào ngày 11 và 12-6 hằng năm với ba môn thi ngữ văn, toán, tiếng Anh.

  1. Cấu trúc đề thi vào lớp 10 2023-2024 Tp HCM

Ngày 14-2, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 ở TP.HCM dự kiến có cấu trúc, nội dung, độ phân hóa giống năm ngoái.

Theo đó, học sinh sẽ vẫn thi 3 môn toán, ngữ văn (mỗi môn 120 phút) và môn tiếng Anh (90 phút). Ba môn đều được áp dụng theo công thức xét tuyển hệ số 1 như năm học 2022-2023.

Theo dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, môn ngữ văn có thời gian làm bài 120 phút với cấu trúc đề thi gồm ba phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).

Phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học… Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.

Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ. Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài viết đủ ba phần gồm mở bài, thân bài, kết bài. Khi bàn luận vấn đề, thí sinh cần đúc rút được bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Phần nghị luận văn học thí sinh sẽ có hai lựa chọn để làm bài.

Với lựa chọn 1, thí sinh tự chọn một tác phẩm thuộc chủ đề, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

Với lựa chọn 2, đề thi đặt ra một tình huống cụ thể, yêu cầu thí sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống đó.

Phần nghị luận văn học yêu cầu thí sinh rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện; nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học. Học sinh cần đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề và dùng kiến thức, trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.

Đề môn toán làm bài trong 120 phút, giữ nguyên cấu trúc với 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, 30% vận dụng, vận dụng cao.

Đề toán dự kiến gồm tám câu hỏi, trong đó bảy câu là kiến thức cơ bản với nội dung: đồ thị, định lý Viet, điều kiện có nghiệm của phương trình, vận dụng kiến thức đã học giải bài toán thực tế. Câu hỏi còn lại là bài toán hình học phẳng, gồm ba bài toán nhỏ.

Đề môn tiếng Anh có thời gian làm bài 90 phút với 40 câu trắc nghiệm. Nội dung đề thi cũng giống như năm ngoái với các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng chủ yếu trong chương trình lớp 9. Đề không chú trọng về ngữ pháp, mà nghiêng về kỹ năng, vận dụng và từ vựng. Đề tiếng Anh có 10-15% câu hỏi mức độ nâng cao để phân hóa thí sinh.