Ngành Ngôn ngữ học

0
894
5/5 - (2 bình chọn)

Học Ngôn ngữ học để làm gì?

  Trước đây, người ta thường chỉ chú trọng và theo đuổi các môn thuộc khoa học tự nhiên. Nhưng, những năm gần đây, khoa học xã hội nhân văn đã và đang được chú ý, dần lấy lại vị thế của nó. Trong đó, Ngôn ngữ học là ngành học ngày càng trở nên quan trọng, và  được nhiều người theo đuổi. Tuy vậy, phần đông vẫn chưa hiểu, chưa đánh giá đúng về ngành học này. Thậm chí, nhiều học viên gần tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học vẫn lơ mơ, chưa thực sự hiểu những vấn đề cốt lõi của việc học Ngôn ngữ học. Nội dung dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về ngành Ngôn ngữ học cho những bạn đã, đang, và sẽ theo đuổi ngành học này.

1. Vai trò, vị trí của ngành Ngôn ngữ học

        Người ta vẫn thường nói: Ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Ngôn ngữ học là một trong những môn học quan trọng nhất trong các môn thuộc khoa học nhân văn, là môn học nền tảng, có liên quan và chi phối nhiều môn học khác. Nó cung cấp tri thức về ngôn ngữ, qua đó người học có điều kiện phát triển năng lực tư duy và có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tốt. Ngôn ngữ học không chỉ cần thiết cho mọi lĩnh vực mà nó còn ngày càng thể hiện vai trò và vị thế của một ngành khoa học chuyên sâu. Các môn học thuộc chương trình Ngôn ngữ học không chỉ dành riêng cho học viên ngành Ngôn ngữ học, mà còn cần thiết cho tất cả các học viên các ngành khác ở mức độ khác nhau.

        Hiện nay, ở khu vực phía Nam, ngành Ngôn ngữ học rất phát triển, ở một mức độ, còn được coi là một ngành rất hot. Nhiều trường mở rộng đào tạo ngành này, như Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngoại ngữ -Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, đây là những trường có bề dày đào tạo, nổi tiếng.

        Ở bậc Đại học, nhiều thế hệ sinh viên ngành Ngôn ngữ học tốt nghiệp, có việc làm, và đang công tác tại các Trường, tại nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo khác trong cả nước. Ở bậc sau Đại học, đối tượng học viên theo học, nghiên cứu ngôn ngữ học không chỉ là cử nhân Ngôn ngữ học, mà còn là cử nhân các ngành ngoại ngữ, các ngành liên quan đến các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, còn có cả học viên đến từ các ngành khoa học kỹ thuật. Điều này cho thấy sự quan tâm của đông đảo đối tượng người học đa dạng và tầm quan trọng của ngành Ngôn ngữ học.

2. Ngôn ngữ học cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng gì?

Dưới đây, tạm chia các kiến thức của Ngôn ngữ học thành 3 nhóm, với những môn học tiêu biểu như sau:

2.1. Những môn học chuyên sâu về lý thuyết ngôn ngữ (Ngữ âm học, Âm vị học, Từ vựng học, Cú pháp học, Ngữ nghĩa học, Ngữ dụng học, Kí hiệu học, Ngôn ngữ đại cương, Lịch sử ngôn ngữ học,v.v..).

        Những môn học này cung cấp kiến thức chuyên sâu, thuần túy Ngôn ngữ học, như: kiến thức đại cương về các ngôn ngữ trên thế giới, về các lý thuyết về ngữ âm, từ vựng, cú pháp, ngữ nghĩa, kiến thức về sự phát triển của một nhóm ngôn ngữ, v.v.; cung cấp những kỹ năng cơ bản như quan sát phân tích, tổng hợp các vấn đề thuộc khoa học ngôn ngữ. Đây là những môn học thường được những học viên muốn tập trung vào các vấn đề chuyên sâu Ngôn ngữ học theo đuổi.

2.2. Những môn học có tính liên ngành (Ngôn ngữ văn chương, Phong cách học, Ngôn ngữ học văn bản, Ngôn ngữ học đối chiếu, Ngôn ngữ học văn hóa, Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học tâm lý, v.v.).

        Đây là những môn học có giao thoa với các ngành học khác. Ngôn ngữ văn chương phân tích vẻ đẹp nghệ thuật của văn chương trên cơ sở lý luận ngôn ngữ. Ngôn ngữ học văn bản cung cấp các kiến thức về cấu trúc và chức năng của văn bản, các vấn đề liên quan đến phẩm chất của văn bản như liên kết và mạch lạc. Ngôn ngữ học văn hóa xác định các yếu tố văn hóa từ phương diện ngôn ngữ. Các môn học cung cấp cho học viên những kỹ năng như trình bày, soạn thảo văn bản hành chính, đối chiếu ngôn ngữ; cảm nhận, xử lý, giải mã, tìm hiểu cơ chế sáng tạo ngôn từ trong các văn bản nghệ thuật v.v..

2.3. Những môn học có tính ứng dụng cao (Ngôn ngữ học máy tính, Ngữ pháp tiếng Việt, Ngôn ngữ học trong biên tập xuất bản, Ngôn ngữ và truyền thông, Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ báo chí,v.v.)

        Ở những môn học này, thành tựu của ngôn ngữ học được áp dụng để giải quyết những vấn đề cụ thể, thực tiễn trong một lĩnh vưc nhất định như giảng dạy, truyền thông, tổ chức sự kiện, biên tập, xuất bản, công nghệ thông tin, v.v.; cung cấp những kỹ năng ứng dụng ngôn ngữ, và những kỹ năng bổ trợ, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Đây là những môn phù hợp cho những học viên muốn làm các công việc có liên quan đến Ngôn ngữ học.

3. Học ngôn ngữ học để làm những ngành nghề nào?

3.1. Với những học viên muốn nghiên cứu chuyên sâu Ngôn ngữ học

        Những học viên muốn tập trung vào công việc nghiên cứu chuyên sâu Ngôn ngữ học có thể làm nghiên cứu viên nghiên cứu về Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số; nghiên cứu xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, giáo dục ngôn ngữ, biên soạn từ điển, sách giáo khoa,v.v. trong các cơ quan nghiên cứu như Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển và Bách khoa thư, Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Đông Nam Á, Viện Cơ yếu,v.v..

        Không ít học viên có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về Ngôn ngữ học, nhưng do không biết thông tin, học đến năm thứ 3 vẫn không xác định được đường hướng học tập, nên không phát huy được tiềm năng, không biết đích mà mình nên vươn tới. Điều này rất đáng tiếc, lãng phí nguồn lực nghiên cứu Ngôn ngữ học.

3.2. Với những học viên muốn làm công việc giảng dạy

        Hiện nay, ngày càng nhiều trường đại học mở ngành Ngôn ngữ học như một ngành đào tạo chính, đồng thời đưa các môn Ngôn ngữ học và Việt ngữ học vào chương trình đào tạo của nhiều ngành.

        Những học viên muốn theo đuổi công việc giảng dạy có thể làm giảng viên dạy Ngôn ngữ học và Việt ngữ học cho sinh viên Việt Nam; hoặc giảng dạy Việt ngữ học, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hoặc ở các nước khác. Thực tế cho thấy, nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài ngày càng tăng, trong khi số lượng giáo viên dạy tiếng Việt nay còn thiếu và chưa chuyên biệt.

3.3. Với những học viên muốn làm những việc có liên quan đến Ngôn ngữ học

        Những học viên không muốn hoặc không có khả năng nghiên cứu chuyên sâu Ngôn ngữ học có thể làm các công việc như biên tập xuất bản, biên tập báo điện tử, biên tập truyền hình trong các nhà xuất bản, các tòa soạn báo (báo viết, báo điện tử), các đài phát thanh truyền hình. Những công việc này đòi hỏi các kỹ năng như: thiết kế, biên tập các xuất bản phẩm, sửa chữa các lỗi về nội dung và hình thức của xuất bản phẩm, đề xuất các yêu cầu về nội dung đối với xuất bản phẩm,v.v. mang đến cho bạn đọc một xuất bản phẩm có nội dung và hình thức hoàn hảo. Những công việc này đòi hỏi có kiến thức phù hợp, kỹ năng diễn đạt tốt, biết sáng tạo và xử lý vấn đề. Riêng ở lĩnh vực báo chí, truyền thông, học viên Ngôn ngữ học có thể có một số hạn chế so với học viên ngành Báo chí ở mặt này nhưng lại có ưu thế hơn ở mặt khác.

        Ở một thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có vô số công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng liên quan đến Ngôn ngữ học. Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác, nhưng theo các kênh thông tin mà Bộ môn Ngôn ngữ học nắm được thì hầu hết học viên Ngôn ngữ học, sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, và ít nhiều phát huy được kiến thức Ngôn ngữ học đã học. Tuy nhiên, một số học viên chọn làm những công việc ít đòi hỏi kiến thức Ngôn ngữ học cũng là một sự lãng phí kiến thức nhiều năm học Ngôn ngữ học.

3.4. Những cơ hội khác

        Sự phát triển mọi mặt của xã hội hiện đại đòi hỏi mức độ sử dụng ngôn ngữ, khả năng ứng dụng ngôn ngữ ngày càng cao. Trong vài năm trở lại đây, số lượng học viên Ngôn ngữ học tiếp tục chọn con đường du học để cập nhật, nghiên cứu Ngôn ngữ học ở các nước Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, v.v.. ngày càng tang nên ngành Ngôn gữ cũng có nhiều cơ hội phát triển để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người học cũng như của xã hội.