“Con thỏ 5 chân” là một trong những từ khóa gợi nhắc đến vụ khủng hoảng truyền thông vừa xảy ra tại một trường phổ thông cao đẳng.
Sự việc có thể tóm tắt lại như sau:
Một sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, làm bài thi môn Màu sắc, sử dụng AI hỗ trợ, nhưng sau đó chỉnh sửa ẩu, để lại nhiều lỗi, trong đó có bài vẽ con thỏ thừa, thiếu nhiều chi tiết (chẳng hạn thỏ trông như có tận 5 chân).
Cô giáo cho 0 điểm “vì sử dụng AI, không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của giảng viên…”.
Sinh viên cảm thấy oan ức, về mách gia đình.
Người chị lập tức ra tay, lên mạng kêu gọi đồng nghiệp và dư luận “xử lý” trường.
Trường lắng nghe, cho chấm lại, bài thi được 5 điểm.
Người chị càng phẫn nộ, tiếp tục đòi “truy sát” cô giáo.
Trường thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên.
Các sinh viên khác bất bình, “hiệp sĩ mạng” nhảy vào chỉ trích người chị và nhà trường.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lên tiếng, yêu cầu kiểm tra sự việc.
Trường càng “hoảng” hơn, “quay xe”, trao đổi lại, thỏa thuận để giảng viên tiếp tục giảng dạy.
Mọi việc tưởng như về chỗ cũ. Nhưng: sinh viên bị bạn bè chê cười; người chị bị cộng đồng mạng lên án; cô giáo mất mặt; trường mất uy tín.
Ai sai, ai đúng chưa có gì rõ ràng. Cô cho rằng dùng AI là vi phạm quy định, chất lượng bài thi kém, thì cho 0 điểm. Sinh viên cảm thấy oan ức thì chia sẻ với gia đình. Người chị thương em thì tìm cách giúp đỡ. Trường có khiếu nại thì tổ chức chấm lại.
Mâu thuẫn bắt đầu bùng lên khi điểm chấm lại lệch nhau quá lớn. Từ 0 điểm thành 5 điểm.
Người chị càng phẫn nộ, nghĩ cô “trù” em mình. Trường đang mùa tuyển sinh, thấy bị tấn công, bộ phận truyền thông lúng túng đối phó. “Hiệp sĩ mạng” như thường lệ, không bỏ qua một sự việc ầm ĩ. Lãnh đạo Trường lắng nghe, suy xét lại.
Ai cũng ồ à: mạng xã hội sức mạnh vô biên, khi có khủng hoảng truyền thông cần học cách xử lý. Nhưng vấn đề vẫn còn lù lù: Vậy bài thi của em học sinh là được 0 điểm hay 5 điểm?
Mấu chốt nằm ở câu chuyện AI. Kể từ khi ChatGPT ra đời, lần đầu tiên công chúng được ứng dụng AI trong mọi việc một cách rộng rãi. Và những bước tiến bộ nhanh chóng của nó làm cho mọi người vừa vui mừng vừa hoảng sợ. Ngành giáo dục không phải là ngoại lệ. Các trường đại học lớn cũng lúng túng. Cho phép sử dụng AI thì nảy sinh rất nhiều câu hỏi, khiến bài thi trở nên vô nghĩa chẳng hạn. Không cho phép sử dụng thì đi ngược với tiến bộ của công nghệ.
Đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo như đồ họa, AI có thể biến bất kỳ học sinh nào có tư duy mỹ thuật một chút thành họa sĩ “thiên tài” trong con mắt của bạn ấy và những người thân. Tôi có trải nghiệm tương tự ở trường FUNiX. Một cô bé làm thợ may muốn học CNTT, đã hỏi rất nhiều về AI trong nghệ thuật. Tôi khuyến khích và cuối cùng cô bé cũng có được một bức tranh “rất đẹp” trong mắt em, và quan trọng là thể hiện được ý tưởng của em.
Nhưng cũng dễ hiểu là nhiều người coi việc lạm dụng AI sẽ triệt tiêu tính sáng tạo bất định vốn là đặc trưng của con người, làm cho xã hội trở nên xơ cứng máy móc.
Trong câu chuyện kể trên, nhiều khả năng là cô giáo theo quan điểm đó. Sinh viên cùng lớp cho biết cô đã cảnh báo không được dùng AI, bằng việc yêu cầu sinh viên viết cam kết.
Tuy nhiên trong một tổ chức giáo dục lớn, quy chế chấm điểm phải là minh bạch và như nhau với tất cả giáo viên, không phụ thuộc vào quan điểm của một giáo viên. Vì vậy, ngoài thỏa thuận hoặc quy định riêng giữa một giáo viên và các học sinh của mình, cần có quy chế chung của trường về việc sử dụng AI như thế nào trong làm bài tập.
Tôi nghĩ các trường khác cũng đang gặp vấn đề tương tự. Hy vọng, Trường coi “tai nạn” này như một cơ hội để tiên phong ban hành quy chế cụ thể về cách thức sử dụng AI trong việc dạy, học và chấm thi.
Bất kỳ một sự thay đổi nào cũng cần những người đi đầu.
Tất cả vấp ngã đều có thể biến thành cơ hội để trưởng thành.
Nguồn: Dantri.com.vn